Chào năm mới bằng một nghị định … đầy sạn! Uống 1 ly bia bị phạt 7 triệu đồng?

Năm Hợi vừa qua, năm Tí đã sang và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chính thức có hiệu lực.

Bức ảnh chúc mừng năm con hổ 2022 , Ảnh: Hà Nguyễn

“Đả” xong 2 lon bia chào mừng năm mới, lên phòng mở máy tính, ngồi vắt chân chữ ngũ, tay cầm kính lúp nghiên cứu Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thì nhận thấy đây là một nghị định… “đầy sạn”, sẽ có nhiều tình huống dở khóc dở cười trong khi thực thi và hơn nữa là nó vô cùng bất cập.

I: QUY ĐỊNH

1/ Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại phương tiện tương tự xe ô tô, Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định:

+ Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/1 lít khí thở.

+ Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/1 lít khí thở.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở.

2/ Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại phương tiện tương tự xe mô tô, xe gắn máy, Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định:

+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/1 lít khí thở.

+ Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/1 lít khí thở.

Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở.

II: THẨM QUYỀN XỬ PHẠT

1/ Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt tiền đến 4.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đường bộ và 5.000.000 đồng đối với vi phạm trong lĩnh vực đường sắt.

2/ Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền phạt tiền đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đường bộ và 37.500.000 đồng đối với vi phạm trong lĩnh vực đường sắt.

3/ Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đường bộ và 70.000.000 đồng đối với vi phạm trong lĩnh vực đường sắt.

4/ Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 400.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đường bộ và 500.000 đồng đối với vi phạm trong lĩnh vực đường sắt.

5/ Trạm trưởng, Đội trưởng có quyền phạt tiền đến 1.200.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đường bộ và 1.500.000 đồng đối với vi phạm trong lĩnh vực đường sắt.

6/ Trưởng Công an xã, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu có quyền phạt tiền đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đường bộ và 2.500.000 đồng đối với vi phạm trong lĩnh vực đường sắt.

7/ Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Công an cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 8.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đường bộ và 15.000.000 đồng đối với vi phạm trong lĩnh vực đường sắt.

8/ Giám đốc Công an tỉnh có quyền phạt tiền đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đường bộ và 37.500.000 đồng đối với vi phạm trong lĩnh vực đường sắt.

9/ Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có quyền phạt tiền đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đường bộ và 75.000.000 đồng đối với vi phạm trong lĩnh vực đường sắt.

III: UỐNG BAO NHIÊU RƯỢU BIA THÌ BỊ PHẠT?

Các nhà khoa học đã tính toán được một cách tương đối giữa lượng bia rượu uống vào và nồng độ cồn trong máu đối với từng cân nặng, được nhiều cơ quan báo chí chính thống đăng tải (xem ảnh).

Trong bài chỉ xin dẫn chứng trường hợp người đàn ông có cân nặng trung bình khoảng 64kg, khi uống 01 đơn vị chuẩn (01 chén rượu 40 độ hoặc một lon bia 330ml 4,5 độ), nồng độ cồn trong máu sẽ là 30mg/100ml; 2 đơn vị chuẩn là 50mg/100ml; 3 đơn vị chuẩn là 80mg/100ml; 4 đơn vị chuẩn là 110mg/100ml; 5 đơn vị chuẩn là 130mg/100ml; 6 đơn vị chuẩn là 160mg/100ml; 7 đơn vị chuẩn là 190mg/100ml… Theo các nhà khoa học, cứ 40 phút nồng độ cồn lại tự giảm đi 10mg.

IV: Kết luận

Từ (I), (II), (III) có thể thấy nghị định này vô cùng bất cập trong việc thực thi. Bởi một người đàn ông cân nặng trung bình 64kg trước khi lái xe chưa đầy 40 phút:

1/ Chỉ cần uống 2 lon bia, nồng độ cồn trong máu đã khoảng 50mg/100ml.

+ Đối với người điều khiển xe máy, nếu không có tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ, mức xử phạt là 4,5 triệu đồng, tức phải Trưởng Công an huyện hoặc Trưởng Công an các phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh mới đủ thẩm quyền xử phạt.

+ Đối với người điều khiển xe ô tô, nếu không có tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ, mức xử phạt là 17 triệu đồng, tức Chủ tịch huyện hoặc Giám đốc Công an tỉnh mới đủ thẩm quyền xử phạt.

2/ Chỉ cần uống 3 lon bia, nồng độ cồn trong máu đã khoảng 80mg/100ml.

+ Đối với người điều khiển xe máy, nếu không có tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ, mức xử phạt là 7 triệu đồng, tức phải Trưởng Công an huyện hoặc Trưởng Công an các phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh mới đủ thẩm quyền xử phạt.

+ Đối với người điều khiển xe ô tô, nếu không có tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ, mức xử phạt là 35 triệu đồng, tức Chủ tịch tỉnh hoặc Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội mới đủ thẩm quyền xử phạt.

Thực tế uống rượu bia tại Việt Nam cho thấy nếu đã ngồi nhậu, nhẹ nhàng cũng phải dăm ba lon bia, dăm bảy chén rượu. Như vậy Ban giám đốc Công an các tỉnh tha hồ làm đề xuất gửi Chủ tịch UBND các tỉnh và Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đề nghị xử phạt một vấn đề rất nhỏ, đó là một ông đi ô tô vui miệng uống vài chén rượu trước khi chia tay bạn hiền.

V: BẤT CẬP KHÁC

Năm ngoái (31/12/2019) vớ được cái phóng sự của Truyền hình Quốc phòng, thực hiện một vài thí nghiệm nhỏ cho thấy một người đàn ông sau khi ăn 3 quả vải, nồng độ cồn trong hơi thở là 0,17mg/1 lít khí thở; một người phụ nữ uống 10ml Siro (hỗ trợ điều trị ho), nồng độ cồn trong hơi thở là 0,21mg/ 1 lít khí thở… Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pon Hà Nội, phần lớn các loại hoa quả khi ăn đều cho ra nồng độ cồn, ngoài ra còn có trên 80 loại dược phẩm khi sử dụng cũng tạo ra nồng độ cồn.

Như vậy, kể từ hôm nay khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, rất có thể nhiều trường hợp không uống rượu bia, nhưng đang điều trị bệnh hoặc ăn hoa quả trước khi tham gia giao thông có thể sẽ bị xử phạt oan, với số tiền không nhỏ, lên tới 2,5 triệu đồng đối với xe máy và 7 triệu đồng đối với xe ô tô. Bên cạnh đó, người tham gia giao thông còn bị tước giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 24 tháng.

FB Hoàng Hải