Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà: Formosa xả thải mà “không đánh giá tác động môi trường”

Trong một hành động hiếm hoi, ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng Tài Nguyên Môi Trường thừa nhận rằng dự án Formosa “có nguồn thải lớn nhưng lại không được đánh giá tác động môi trường sơ bộ trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư.”

Báo Thanh Niên dẫn lời ông Hà giải thích rằng do Formosa là “dự án cấp tỉnh phê duyệt” và “có quy mô đầu tư tư nhân” nên chính phủ, Quốc Hội không phê duyệt chủ trương đầu tư và cũng không tính toán, đánh giá tác động môi trường sơ bộ.”

Nhà máy Formosa Hà Tĩnh được cho là thủ phạm gây ra thảm họa cá chết ở bốn tỉnh miền Trung hồi năm 2016, khiến hàng triệu gia đình mất sinh kế.

Trong một diễn biến khác, tờ Pháp Luật TP.HCM cho hay, Bộ Tài Chính đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi miễn thuế nhập cảng đối với dự án Formosa Hà Tĩnh và đã được Thường Trực Chính Phủ đồng ý. Phương án miễn thuế cho nhà máy này đã được triển khai từ năm 2010. Báo này cho rằng việc dừng ưu đãi thuế đối với dự án Formosa “sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, dẫn đến khiếu kiện của doanh nghiệp.”

Việc quyết định tiếp tục chính sách miễn thuế cho Formosa Hà Tĩnh khiến công luận bất bình. Kể từ khi đầu tư vào Việt Nam, Formosa Hà Tĩnh đã và đang được nhận những ưu đãi lớn về thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp lẫn thu nhập cá nhân, trong lúc lại gây ra thảm họa môi trường tồi tệ nhất.

Đáng lưu ý, theo trang tin điện tử Nhịp Sống Kinh Tế hôm 1 Tháng Chín, Formosa Hà Tĩnh báo lỗ lũy kế hơn 25.000 tỷ sau hai năm đi vào hoạt động.

Trang tin này cho biết thêm, những tháng đầu năm 2020, sản lượng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phôi thép, thép thành phẩm của Formosa giảm mạnh do hiện nay giá thép thành phẩm liên tục giảm trong lúc giá nguyên liệu tiếp tục tăng cao.

Cũng cần nói thêm, không chỉ lên tiếng bao biện cho Formosa, người dân từng vô cùng phẫn nộ vì kiểu “trấn an” trước các thảm họa môi trường như trong vụ cháy nhà máy Rạng Đông hồi cuối Tháng Tám, 2019, vụ trung tâm Nhiệt Điện Vĩnh Tân, nhà máy Nhiệt Điện Mông Dương 1… thải ra hàng triệu tấn tro xỉ mỗi năm gây nguy hại cho môi trường và sức khỏe của người dân.

Hồi Tháng Tám, 2016, trong lúc công luận tức giận tột độ về thảm họa cá chết, các báo nhà nước đồng loạt đăng ảnh cho thấy các lãnh đạo đang tắm biển Cửa Việt và ăn hải sản ở Quảng Trị để chứng thực rằng nước biển miền Trung “đạt chuẩn.”

Ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng Tài Nguyên Môi Trường. (Hình: Gia Hân/Thanh Niên)

Đến nay, báo cáo đánh giá tác động môi trường được cho là khái niệm “nhạy cảm”. Trong vụ gần đây nhất, hồi Tháng Bảy, công luận phản đối gay gắt dự án xây khu đô thị lấn biển Cần Giờ của tập đoàn Vingroup với quy mô 2,870 héc ta. Nhiều blogger thuộc giới hoạt động môi trường lên tiếng đòi công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này nhưng không được đáp ứng. Thậm chí, những người này còn bị quy chụp là “bị thế lực thù địch kích động.”

Thời điểm đó, theo báo Zing, Tổng Cục Môi Trường tuyên bố rằng đánh giá tác động môi trường của dự án lấn biển Cần Giờ “theo đúng quy định” và kết luận dự án này “tác động không đáng kể tới rừng ngập mặn.”